Bàn Thờ Gia Tiên Miền Nam Và Bàn Thờ Gia Tiên Miền Bắc Có Gì Khác Nhau?

Thờ cúng Gia tiên là nét phong tục đẹp trong nghi thức truyền thống của nhân dân ta. Trong đó, tùy theo đặc điểm văn hóa vùng miền mà bàn thờ Gia tiên miền Nam và bà thờ Gia tiên miền Bắc lại có những diểm khác biệt nhất định. Những điều này đều ít nhiều xuất phát từ căn nguyên về văn hóa cũng như quá trình hội nhập và giao lưu với văn hóa phương Tây.

Các bạn cùng Phong Thủy Long Vũ điểm qua bài viết dưới đây để lý giải rõ hơn các khía cạnh liên quan trên.

Bàn Thờ Gia Tiên Miền Nam Có Những Đặc Điểm Gì?

Ban Thờ Gia Tiên Miền Nam Có Đặc Điểm Gì

Ban Thờ Gia Tiên Miền Nam Có Đặc Điểm Gì

Mặc dù đối với Bàn thờ Gia tiên miền Nam đều cùng thể hiện tấm lòng thành kính và hiếu thảo mà thế hệ hậu sinh, con cháu hướng tới Chư vị Phật Thánh hay Tổ Tiên song trong tương quan so sánh với bàn thờ Gia tiên miền Bắc cũng có vài khác biệt nhất định.

Với các gia chủ chưa có gian thờ riêng, chiếc tủ thờ vẫn được xem là không gian trang trọng bậc nhất của ngôi nhà. Hai loại tủ thờ nổi bật, ta dễ gặp hơn cả ở bàn thờ Gia tiên miền Nam là điêu khắc hay khảm trai, ốc, xà cừ. 

Xét về chất liệu, bàn thờ Gia tiên miền Nam được làm đa số từ gỗ đỏ, gỗ mật với các chi tiết đặc trưng (như ô hộc hay thanh trụ chạm khắc) cùng các họa tiết lấy từ đề tài Tứ linh, Nhị thập tứ hiếu, Tứ quý (như Mai, Lan, Cúc, Trúc, Sen…) hay Tam Quốc Chí. Đa phần các họa tiết này đều được thợ trong vùng (như các mạn ở Gò Công, Thủ Dầu Một, Cần Đước – Long An…trực tiếp thực hiện. Bởi mang tính địa phương, khu biệt nên các dấu ấn về chạm khắc này mang tính độc đáo, rất khác với các đặc điểm bàn thờ ở miền Bắc hay miền Trung Việt Nam.

Ngoài ra, khi điều kiện kinh tế cho phép, để trang trí cho chiếc tủ thờ thêm phần trang trọng, các gia chủ còn có các vật phẩm khác bày bổ sung xung quanh không gian này. Nổi bật nhất có thể đề cập đến, như chiếc Nghi thờ (còn gọi là “ghế ghi thờ”) hay một bộ ấm tách để Chư vị Phật Thánh hay Tổ Tiên ngự lãm.

Bàn Thờ Gia Tiên Miền Nam Được Bố Trí Như Thế Nào?

Thường gặp nhất về cách cục bố trí trên bàn thờ Gia tiên miền Nam sẽ gồm di ảnh cụ Ông, cụ Bà, các đồ thờ chất liệu sành sứ, bên trái đặt bình hoa, trong khi bên phải sẽ bày đĩa trái cây. Cách sắp xếp này cũng tuân theo nguyên tắc “Đông bình, Tây quả”. Cách giải thích trực quan theo quan niệm Cổ nhân là có hoa rồi mới kết quả; hay nhờ ánh sáng của Mặt trời phía Đông mà cây cối mới đơm hoa, kết trái. Cụ thể hơn, bình hoa sẽ được để ở bên trái, trong khi mâm quả sẽ bày ở bên phải (đều tính từ hướng trong ban thờ nhìn ra).

Cạnh đó, ở vị trí trung chính của ban thờ sẽ đặt lư hương đồng với họa tiết hình lân hí cầu, trong khi phía trước thường đặt cặp chân đèn, bát hương cùng chung nước và đèn dầu hay đèn cầy (nến). 

Để thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ chân linh Tổ Tiên, người thân đã khuất, mạn sau bàn thờ với các gia chủ có điều kiện thường đặt ba chiếc bàn (dạng vuông hay chữ nhật) có chức năng bày đồ cúng khi thỉnh lễ (thường là các món mà khi đương thời, người đã khuất ưa chuộng). Đặc biệt, ở một số nơi, bàn thờ Gia tiên miền Nam còn được bố trí tranh thờ chất liệu màu nước đề tài Sơn thủy bằng chất liệu kính hay vải bố.

Bàn Thờ Gia Tiên Miền Nam Qua Từng Giai Đoạn

Gắn liền với quá trình “mở cõi” và hình thành lịch sử cư trú, bàn thờ Gia tiên là miền Nam là một bộ phận tiêu biểu không tách rời của nếp sinh hoạt văn hoá tâm linh người dân nơi đây. Trong đó, nổi bật lên các giai đoạn lớn như sau:

  • Bàn thờ Gia tiên miền Nam ở các kiến trúc cổ: Như đã đề cập ở trên, chất liệu để làm nên các bàn thờ Gia tiên là các loại gỗ quý như gỗ đỏ, gỗ mật…gắn liền với các điển tích “Nhị thập tứ hiếu”, “Tam Quốc Chí” hay “Tứ quý”…
  • Bàn thờ Gia tiên miền Nam trong các năm 90 của thế kỷ XIX thưởng nổi bật với sự giản đơn, nổi bật với dạng bàn thờ chân cao, hầu hết trang trí bằng chỉ soi và rất ít chạm khắc. Cách sắp đặt thường gặp nhất trong giai đoạn này, bên cạnh kiểu bàn thờ chân cao, còn có nghi thờ với lư hương ở vị trí trung chính và bộ chân đèn, trong khi phía trong bàn thờ còn có thêm giường thờ. 
  • Giai đoạn từ những năm 90 thế kỷ XIX đến các năm 20 của thế kỷ XX: Đây là giai đoạn đánh dấu sự du nhập của văn hóa phương Tây (đặc biệt là chiếc tủ thờ theo mô thức kiểu tủ Pháp (kiểu thời vua Louis XVIII)); do đó, chiếc bàn thờ Gia tiên miền Nam bắt đầu mang hơi hướng hiện đại hóa, được thu nhỏ hơn, tinh tế hơn (được gọi là “tủ thờ”). Trên cạnh tủ thờ còn trang trí tranh kính thể hiện cho hướng nguyện của con người tới sự sung túc và đủ đầy. 

Bàn Thờ Gia Tiên Miền Bắc Có Những Đặc Điểm Gì?

Ban Thờ Gia Tiên Miền Bắc Có Đặc Điểm Gì

Ban Thờ Gia Tiên Miền Bắc Có Đặc Điểm Gì

Nét dễ nhận thấy trong đặc điểm bàn thờ Gia tiên miền Bắc đó là sự đa dạng về kiểu dáng và màu sắc. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, không gian mà các gia chủ có thể lựa chọn cách bài trí ban thờ bằng cách gắn một giá gỗ cố định trên tường (chiều cao trên tầm tay người lớn; khi thắp hương cần đứng trên ghế hay kệ), nhằm thể hiện cho sự thành kính mà gia chủ hướng về Chư vi Phật Thánh hay Tổ Tiên.

Với các gia chủ có điều kiện về kinh tế hay không gian tâm linh cho phép, họ thường thiết đặt bàn thờ kiểu tủ từ các chất liệu gỗ quý (như gỗ Hương, gỗ Lim, gỗ Trắc…) với bề mặt được khảm trai, ốc, khảm xà cừ với màu sắc tinh tế, đi cùng nhiều họa tiết cầu kỳ và đẹp mắt.

Tủ chè là một trong các kiểu cách thức bàn thờ Gia tiên miền Bắc rất được ưa chuộng. Thiết kế này thường được đi cùng với sập gụ để tạo nên sự đồng bộ, sang trọng và quý phái cho gian thờ nói riêng và không gian nội thất của gia chủ nói chung.

Theo quan niệm tâm linh truyền thống, bàn thờ là không gian tâm linh thiêng liêng, nên bên cạnh yêu cầu về lựa chọn chất gỗ (cần là các loại gỗ quý hiếm, đảm bảo độ chắc chắn, lâu bền..) thì họa tiết cũng là điểm rất nổi bật ở bàn thờ Gia tiên miền Bắc. Bên cạnh các họa tiết thường gặp, như “Tứ quý”, “Tam đa” (Phúc – Lộc – Thọ), còn các đề tài như “Tứ thú” (Ngư – Tiều – Canh – Mục) hay trang trí các chữ thể hiện cho may mắn, hanh thông, như chữ 福 (Phúc),壽 (Thọ), 禄 (Lộc)…

Bàn Thờ Gia Tiên Miền Bắc Được Bố Trí Như Thế Nào?

Tùy thuộc vào loại hình kiến trúc, điều kiện kinh tế và không gian tâm linh cho phép mà cách bố trí bàn thờ miền Bắc sẽ có sự linh hoạt, điều chỉnh cho tối ưu nhất.

Với các nhà cấp bốn, vị trí tối ưu nhất thường nằm ở trung gian của phòng khách; trong khi với các căn hộ hay chung cư, vị trí đặt ban thờ sẽ nghiêng về khoảng không gian thông thoáng, không vướng cửa, rèm hay lối đi. Để đảm bảo sự thanh tịnh và tôn nghiêm, các gia chủ thường dùng bình phong hay vách ngăn bao quanh khu vực thờ tự. Trường hợp, khi gia chủ ở nhà cao tầng, khu vực bàn thờ thường được đặt riêng ở một gian phòng, thậm chí ở vị trí cao nhất trong nhà.

Dù có sự khác biệt do loại hình kiến trúc hay điều kiện kinh tế quy định, điểm chúng ta có thể nhận thấy ở cách bố trí bàn thờ Gia tiên miền Bắc đó là sự cân đối, hài hòa trong tương quan tổng thể của gian thờ với các công năng liên đới. 

Thường gặp nhất ở bàn thờ Gia tiên miền Bắc sẽ gồm 3 bát nhang (một bát nhang ở vị trí trung chính, lớn hơn hai bát nhang còn lại); khoảng cách các bát nhang được cân đối để tạo được thế Tam Tài. Ở vị trí ngoài cùng sẽ là cặp chân nến hay  hai cây đèn dầu (đại diện cho Lưỡng nghi – Mặt trời và Mặt trăng). Để tạo sự cân đối, hai lọ hoa cũng được sắp xếp đặt ở hai bên. 

Bên cạnh bộ Tam sự hay Ngũ sự, cách bài trí cũng tuân theo các nguyên tắc “Đông bình, Tây quả”, Tam Tài và Âm Dương – Ngũ hành hết sức rõ nét:

  • Hành Kim: gồm lư hương, chân đèn;
  • Hành Thủy: như nước và rượu;
  • Hành Thổ: các đồ bằng gốm, sứ hay tro bát nhang
  • Hành Hỏa: gồm đèn, nến;
  • Hành Mộc: như bài vị, hương nhang, đũa, bài vị…

Ngoài ra, với việc an vị di ảnh của Ông Bà hay người đã khuất cũng được tuân theo nguyên tắc “Nam tả, Nữ hữu” (di ảnh người nam đặt bên trái và di ảnh người nữ đặt bên phải – tính từ hướng trong ban thờ nhìn ra). 

Bàn Thờ Gia Tiên Miền Bắc Qua Từng Giai Đoạn

Gắn liền với lịch sử định cư và truyền thống lâu đời, bàn thờ miền Bắc trong tâm thức bao thế hệ luôn được xem là không gian tâm linh thiêng liêng và trang trọng nhất.

Xuyên suốt một thời gian dài, trong quá khứ hay thậm chí cho đến ngày nay, “sập gụ – tủ chè” vẫn được xem làm mô thức tiêu chuẩn với nhiều gia chủ về cách cục nội thất phòng khách một ngôi nhà (nói chung) hay với một ban thờ đẹp – trang nghiêm và sang trọng.

Dưới ảnh hưởng của sự giao lưu và hội nhập văn hóa phương Tây (đặc biệt là từ kiến trúc – nội thất Pháp), chiếc tủ thờ cũng xuất hiện trong đời sống tâm linh người Bắc Việt. Bên cạnh cách thức cố định bàn thờ dưới dạng một giá gỗ đi liền với tường nhà cùng chiều cao phù hợp, tủ thờ cũng hiện diện và trở nên quen thuộc trong nhiều gia đình.

Ngày nay, tùy thuộc vào điều kiện, không gian tâm linh cho phép, bàn thờ Gia tiên người miền Bắc không chỉ đa dạng về cách thức bài trí (không gian thờ cúng đi liền với sập gụ – tủ chè; bàn thờ gắn cố định trên tường hay tủ thờ…), được trang trí đặc sắc (sơn son, thếp vàng, khảm trai – ốc -xà cừ, hay giản dị với màu sơn cánh gián, thậm chí để mộc…), kiểu mẫu phong phú (đồ cổ, giả cổ hay trang trí cách tân), nhiều chất liệu lựa chọn khác nhau (gỗ trắc, gỗ hương, gỗ Óc chó, gỗ mít…) mà còn là điểm nhấn để gia chủ thể hiện lòng thành kính tới Chư vị Phật Thánh và Tổ Tiên.

Bàn Thờ Gia Tiên Kiểu Mẫu Hợp Phong Thủy Cho Mọi Gia Đình

Ban Thờ Gia Tiên Kiểu Mẫu Hợp Phong Thủy

Ban Thờ Gia Tiên Kiểu Mẫu Hợp Phong Thủy

Trước khi đi vào chi tiết mô thức bàn thờ Gia tiên kiểu mẫu hợp phong thủy, các gia chủ nhân cần lưu ý một vài khía cạnh như sau:

Các Nguyên Tắc Sắp Xếp Ban Thờ

  • Quy tắc “Nhất vị, nhị hướng”: Nhấn mạnh vào vị trí đặt ban thờ, cần an vị ở nơi cát lợi, không vướng các thế kỵ về phong thủy ban thờ (như nằm dưới toilet, dưới phòng ngủ, dưới bếp đun, đối diện nhà vệ sinh…).
  • Quy tắc “Âm Dương – Ngũ hành” cùng “Đông bình – Tây quả”: Đây là các tiêu chí về các vật phẩm và cách thức sắp xếp trên bàn thờ tối hảo về mặt phong thủy.
  • Quy tắc “Tam tài”.
  • Yêu cầu về sự thanh tịnh và sạch sẽ.

Hướng Dẫn Bài Trí Bàn Thờ Gia Tiên Hợp Phong Thủy

Trước hết, các chủ nhân cần chuẩn bị các vật phẩm cần có trên bàn thờ Gia tiên. Tùy thuộc vào điều kiện mà mỗi gia chủ sẽ có sự lựa chọn, sắm sửa vật phẩm để sự sắp xếp ban thờ được chu tất nhất. Khám thờ, bàn thờ, lư hương (còn gọi là bát nhang), bộ Ngũ sự, mâm quả, lọ hoa, ly đựng nước, rượu…

  • Ban thờ cần có kích thước cao hơn đầu người, thể hiện cho lòng thành kính ngưỡng mà gia chủ hướng tới Chư vị Phật Thánh cùng Tổ Tiên.
  • Các màu sắc trầm (như màu nâu, vàng kem hay nâu đỏ, màu gỗ) được xem là mộc mạc, phù hợp nhất cho trang trí bàn thờ.
  • Việc an vị ảnh thờ sẽ tuân theo nguyên tắc “Nam tả, Nữ hữu” (ảnh người nam đặt bên trái và di ảnh người nữ đặt bên phải – tính từ hướng trong ban thờ nhìn ra). 
  • Vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ Gia tiên là bát hương. Số lượng bát hương phổ biến, thường gặp nhất là 3 bát hương. Ở vị trí chính giữa, có kích cỡ lớn hơn hai bát nhang còn lại là bát hương thờ Chư vị Thần linh; trong khi bát hương thờ Gia tiên, Tiền Tổ sẽ được an vị ở bên trái và bát hương thờ Bà Cô – Ông Mãnh sẽ đặt ở bên phải bát nhang thờ Chư vị Thần linh. Hướng sắp xếp bát hương đều theo quy ước: nhìn từ trong ban thờ hướng ra ngoài.
  • Tuân theo nguyên tắc “Đông bình, Tây quả” truyền thống, bình hoa sẽ được đặt ở bên trái, trong khi mâm ngũ quả bên phải tính từ trong bàn thờ nhìn ra. Đây là cách bài trí truyền thống thường gặp.
  • Được đặt phía sau lư hương là bộ Đỉnh đồng (hay bộ Đỉnh hương). Riêng phần lư đồng được an vị ở trung tầm, 2 nến đồng hoặc 2 con hạc sẽ được đặt ở hai bên. Bộ Đỉnh đồng dùng để đốt trầm trong các dịp lễ giúp không gian thờ cúng thêm trang trọng hơn. 
  • Ba ly nước: Thường được chắt rượu hoặc nước mỗi khi lên hương. Vị trí đặt sẽ nằm ở trước bát nhang.

Ngoài các vật phẩm căn bản kể trên, tùy thuộc vào kinh tế hay không gian thờ cúng cho phép, bàn thờ Gia tiên miền Bắc còn có thêm các phần như Hoành phi – Câu đối chất liệu từ gỗ, đồng sơn son, thếp vàng; ống đựng thẻ nhang, bộ đèn Thái Cực – Lưỡng nghi…để không gian ban thờ thêm trang trọng và đẹp mắt.

Lời Kết

Hi vọng, với các chia sẻ ở trên, các Quý bạn hữu không chỉ lý giải được bàn thờ Gia tiên miền Nam và miền Bắc gồm các đặc trưng, khác biệt qua mỗi giai đoạn ra sao mà còn có thêm các tri thức đặc sắc nét tâm linh truyền thống của dân tộc.

Để có thêm các tri thức phong thủy hữu ích cũng như nhận được các ưu đãi lớn nhất về các vật phẩm chiêu tài, hóa sát và hướng nguyện may mắn, các bạn vui lòng điền form bên cạnh, Phong Thủy Long Vũ sẽ kết nối và hỗ trợ các bạn trong thời gian sớm nhất.