Cách Tỉa Chân Nhang 23 Tháng Chạp
Tịnh sái ban thờ, tỉa chân nhang là một trong những việc thuộc về nghi thức tâm linh mà mỗi gia chủ đều cẩn trọng tiến hành mỗi dịp Tết đến, xuân về. Xoay quanh việc tịnh sái ban thờ, tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp cũng có những điểm lưu ý nhỏ mà chúng ta không thể bỏ qua. Dưới đây, Phong Thủy Long Vũ sẽ cùng các bạn tìm hiểu cụ thể về các nội dung trên.
Ngày 23 Tháng Chạp Là Ngày Gì?
Ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm được quan niệm là ngày Táo quân sẽ lên Thiên đình nhằm tổng kết, báo cáo mọi việc trong nhà gia chủ với Đức Vua Cha Ngọc Hoàng.
Ở miền Bắc, ngày này được gọi dung dị là Tết Ông Công – Ông Táo; ở miền Nam, đây được gọi là ngày tiễn Ông Táo lên Trời.
Theo tín ngưỡng dân gian, Ông Táo quanh năm ngụ nơi bếp, thấu tỏ chuyện lớn, chuyện nhỏ nơi tư gia; để Ông phù trợ nhiều điều cát lành, nhà nhà đều làm Lễ cúng Ông Táo vào 23 tháng Chạp vô cùng trọng thể. Sau một tuần chầu Vua Cha Ngọc Hoàng, tới trưa 30 Tết, Ông Táo lại quay trở về hạ giới để tiếp quản lại công việc của mình.
Cách Tỉa Chân Nhang Ngày Ông Công, Ông Táo
Chọn Người Tịnh Sái Ban Thờ, Tỉa Chân Nhang Ngày 23 Tháng Chạp
Người phù hợp nhất để tịnh sái ban thờ, tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp cần là người cẩn trọng, chỉn chu và có tâm với công việc tâm linh. Trước khi tiến hành các nghi thức liên quan việc tỉa chân nhang, người này cần tắm rửa sạch sẽ.
Xin Phép Trước Khi Tịnh Sái Ban Thờ
Để nghi thức tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp được chu tất, gia chủ nên chuẩn bị đồ lễ từ trước, lên hương và xin phép các Cụ (Ban Thần linh cũng như Gia tiên) nhằm trình báo và xin phép sự chấp thuận, để con cháu thực hiện nghi thức được tối hảo, an tâm.
Để tránh sự nhầm lẫn, các bạn nên chuẩn bị một chiếc bàn, trên có trải lụa hay giấy màu đỏ, tiện cho đặt bài vị. Nhiều gia đình có đặt chung bài vị các Thần và Gia tiên, nên để tránh xáo trộn vị trí, ta có thể đặt ở 2 nơi khác nhau cho tiện phân biệt.
Khi tuần hương tàn, ta có thể bắt đầu cho nghi thức được tiến hành.
Các Bước Tiến Hành
Các bạn chú ý: Các vật dụng tỉa chân nhang luôn cần mới và sạch. Trong trường hợp dùng đồ cũ thì các vật dụng đó cũng chỉ chuyên phục vụ cho việc tịnh sái ban thờ.
- Rượu gừng sạch: Dùng củ gừng tươi, rửa sạch giã nát, hòa vào rượu (tốt nhất cần ngâm trong 7 ngày, 7 đêm).
- Chậu nước sạch.
- Hai chiếc khăn sạch.
- Nước hoa (không nhất thiết)
- Một tấm vải hay tờ báo sạch.
Bước 1: Để bắt đầu nghi thức tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp, các bạn lên hương và khấn theo bài được đính kèm dưới đây:
“Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là:………………
Ngụ tại:………………….
Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ …. tại…… (địa chỉ nhà ở, quê).
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm … ,con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ,đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ … chấp thuận”.
Sau khi tàn tuần hương, ta có thể bắt đầu. Trường hợp gia chủ vừa cúng lễ tiễn ông Công ông Táo xong, hương vẫn còn thì ta chỉ cần khấn xin tỉa chân nhang; tuần nhang cháy hết là có thể bắt đầu tiến hành.
Bước 2: Trải tấm vải hay tờ báo sạch ở sát bát nhang. Để cố định vị trí bát hương, một tay giữ bát hương; tay còn lại, ta rút từng chân hương một cách nhẹ nhàng.
Các khóm chân hương đã rút khỏi bát nhang, ta để gọn vào tấm vải hay tờ báo đã trải sẵn; cần làm cẩn thận, tránh làm rơi vãi tàn nhang.
Bạn tuần tự tỉa chân nhang, cho đến khi trong bát nhang chỉ còn lại 3, 5, 7 hay 9 chân nhang. Số chân nhang đã tỉa ta để riêng ở khu vực sạch sẽ và hóa thành tro ở công đoạn kết thúc.
Cạnh đó, khi tỉa chân nhang, cần giữ để bát hương tránh bị xê dịch hay xiên lệch sang hướng khác.
Bước 3: Vắt khô khăn thấm rượu gừng; vẫn một tay giữ bát nhang, tay còn lại làm sạch bát hương. Nếu có tinh dầu nước hoa, các bạn có thể thêm một chút sẽ thêm linh khí.
Bước 4: Tỉa chân nhang và tịnh sái bát hương xong, ta nên rửa lại ly rượu, chén nước, mâm (đĩa) bồng hoa quả, đèn, bình hoa…
Các đồ trên có thể cho vào chậu sạch, rửa kỹ và dùng khăn khô được chuẩn bị từ trước đó để lau khô. Với riêng ly đựng nước, bạn nên dùng nước sôi sạch để tráng.
Bước 5: Tro của chân nhang đã được để riêng (ở Bước 2) sẽ được đem đi hóa. Sau khi hóa xong, ta nên vùi vào gốc cây lớn (vùi gốc cây non, cây sẽ khó sống).
Cần hết sức tránh việc đổ tro tùy tiện ở nơi ô uế hay không phù hợp, dễ phạm phải “tán tài” theo quan niệm dân gian. Đến đây, việc tỉa chân nhang xem như được hoàn thành.
Bước 6: An vị đồ thờ, kính cáo và thỉnh cầu sự phù trợ.
Sau khi đã tịnh sái, tỉa chân nhang bàn thờ xong, các bạn cần lên hương, sắp xếp đồ lễ đã được chuẩn bị (liệt kê ở phần đầu bài viết) và đọc 1 bài văn khấn.
Mục đích của nghi thức này để mời Chư vị Thần linh về ngự lại nơi ban thờ, tiếp tục phù hộ và giám sát cho gia chủ.
Phong Thủy Long Vũ xin chia sẻ cùng các bạn bài Văn khấn sau khi tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp như sau:
“Con lạy 9 phương trời
Con lạy 10 phương đất
Con kính lạy chư Phật 10 phương
Con kính lạy 10 phương chư Phật
Con kính lạy quan đương niên, đương cảnh, quan hành khiển, thần binh.
Con kính lạy các Ngài ngũ phương, ngũ mạch, tài thần, táo quân.
Tín chủ con là :
Cư trú tại :
Hôm nay tân niên xuân tiết , ngày lành tháng tốt . Con chọn được thời hoan khắc hỉ để sái tịnh lại hương án.
Nay việc dương đã tròn , cung thỉnh các vị các ngài hồi vị hương án cho con được tiếp tục phát tâm thờ phụng cốt vị.
Năm cũ lộc tài con xin tạ
Năm mới lộc mới con mong cầu.
Xin các vị các ngài độ cho tấm lòng thành, phù cho gia chủ con đc an bình, thuận lợi. Xuất hành đi đến nơi về đến chốn.
Cuộc sống duyên lành mang tới, duyên dữ mang đi
Tài lộc đủ đầy, việc dương thăng tiến.
Tâm trần con có
Lễ trần con dâng
Nếu âm điều con có thiếu sót, kính xin được tha thứ, chở che.
Mong các vị các ngài linh thiêng giáng hạ, chúng con xin kính thành cẩn cáo.
Con Nam Mô A Di Đà Phật ( 3 lần )”.
Các Lưu Ý Khi Tỉa Chân Nhang Ngày 23 Tháng Chạp
- Về thứ tự tịnh sái trên ban thờ: Nếu ban thờ có bài vị, ta sẽ làm sạch bài vị trước, sau đó mới đến bát hương; sau cùng mới là các đồ thờ khác.
- Với gia chủ thờ Phật, cần thực hiện tịnh sái ban thờ Phật trước xong mới đến đồ thờ gia tiên và thần linh.
- Khăn lau hay chổi phục vụ việc tịnh sái ban thờ nên là đồ mới hay chuyên dụng, tránh dùng đồ bẩn hay chung đụng. Với khăn hay chổi đã quá cũ, cần thay đồ mới.
- Nước phục vụ tịnh sái ban thờ phải tinh khiết. Sử dụng rượu trắng và gừng ( hoặc dung dịch 5 loại ngũ vị) cho việc tịnh hóa ban thờ.
- Trường hợp chân nhang, tro của bát hương quá đầy, ta chỉ nên bỏ bớt một phần chân hương và tro đi. Theo quan niệm, tro được xem là tài lộc của gia chủ, do đó, gia chủ chỉ nên tránh, không đổ tro đi quá nhiều.
- Trong quá trình thực hiện tịnh sái ban thờ, tỉa chân nhang, cần đặc biệt tránh việc kẹp đồ cúng vào chân, nách hay háng. Bộ ngũ sự và các đồ để cúng khác cần đặt cẩn thận, tránh làm sứt mẻ đồ cúng.
- Hết sức tránh việc bát hương bị xiên lệch hay cập kênh.
- Đại kỵ làm đổ vỡ đồ thờ cúng: Theo quan niệm dân gian, việc bất cứ vật phẩm nào vỡ cũng là điềm không hay, nhất là đồ thờ cúng lại gắn với tính thiêng liêng – biểu trưng cho sự an ổn, tôn kính của gia chủ với Thần linh và các vị Tiên tổ.
Lời Kết
Hi vọng, với các chia sẻ trên của Phong Thủy Long Vũ, các bạn không chỉ nắm được tuần tự các bước Tỉa Chân Nhang Ngày 23 Tháng Chạp một cách tối hảo nhất mà còn thêm lý giải về một nét tâm linh trong truyền thống văn hóa của dân tộc.
Để có thêm các thông tin đặc sắc khác về phong thủy cũng như các vật phẩm chiêu tài, hóa sát khác, các bạn vui lòng lưu lại thông tin hay liên hệ qua hotline 0968.768.588